You can edit almost every page by Creating an account. Otherwise, see the FAQ.

Nguyễn Đình Bảo (Đại tá, Quân lực VNCH)

Từ EverybodyWiki Bios & Wiki

Lỗi Lua trong package.lua tại dòng 80: module 'Mô đun:Message box/configuration' not found.


Lỗi kịch bản: Không tìm thấy mô đun “Unsubst”. Lỗi kịch bản: Không tìm thấy mô đun “Infobox”.

Nguyễn Đình Bảo (1936-12/4/1972), là một sĩ quan cao cấp trong Binh chủng Nhảy dù thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa, xuất thân từ trường Võ bị Quốc gia. Năm 1972, ông là Trung tá chỉ huy một đơn vị Nhảy dù mệnh danh là Tiểu đoàn "Song Kiếm Trấn Ải", có nhiệm vụ án ngữ và kiểm soát khu vực ngã ba biên giới Việt - Miên - Lào trên một đỉnh đồi có vị trí địa lý thuộc quận Dakto, tỉnh Kontum thuộc Quân khu 2. Cao điểm này được quân sự hóa với tên "Charlie".[1][2]

Thượng tuần tháng 4 năm 1972, Quân đội Bắc Việt Nam với quân số và hỏa lực hơn gấp nhiều lần dùng đại pháo liên tục pháo kích xuống cứ điểm. Ngay những đợt pháo đầu tiên vào ngày 12 tháng 4, ông đã bị tử thương do đạn pháo rơi trúng nóc hầm chỉ huy.[2][3]

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác nhạc phẩm "Người ở lại Charlie" để tưởng nhớ đến ông.[4][5]

Tiểu sử và binh nghiệp[sửa]

Nguyễn Đình Bảo sinh năm 1936 trong một gia đình khá giả tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Tp Hà Nội). Khi lên Trung học đệ nhất cấp, ông được cha mẹ cho ra học ở Hà Nội. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Nam, định cư ở Sài Gòn và tiếp tục theo học Trung học đệ nhị cấp. Năm 1956, ông thi đậu bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Việt nam Cộng hòa[sửa]

Đầu năm 1957 thi hành lệnh động viên, Nguyễn Đình Bảo trình diện nhập ngũ vào Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Với trình độ học vấn tú tài, ông được theo học khóa 14 Nhân Vị[6] tại trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, khai giảng ngày 4/2/1957. Sau 36 tháng thụ huấn, ngày 17/1/1960 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông tình nguyện gia nhập Binh chủng Nhảy dù[7]. Sau một khóa huấn luyện ngắn hạn căn bản của binh chủng Nhảy dù, ra đơn vị làm Trung đội trưởng Trung đội 1 thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 8 Nhảy dù[8] tân lập do Đại úy Trương Quang Ân[9] làm Tiểu đoàn trưởng, kế đến là Đại úy Trần Văn Hai[10] (cùng tên với cố Chuẩn tướng Trần Văn Hai, nguyên Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh). Thời gian này ông đã cùng đơn vị tham dự cuộc hành quân ở Ấp Bắc, Định Tường với nhiệm vụ giải vây đồn Bổ Túc. Tháng 10 năm 1962, ông được thăng cấp Trung úy làm Đại đội phó Đại đội 3.

Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm, Nguyễn Đình Bảo được thuyên chuyển sang Tiểu đoàn 3 Nhảy dù[11] làm Đại đội trưởng Đại đội 1 do Thiếu tá Khiếu Hữu Diêu[12] làm Tiểu đoàn trưởng. Tháng 6 năm 1965, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm. Tháng 11 năm 1966 chuyển đi làm Đại đội trưởng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 Nhảy dù[13] do Thiếu tá Nguyễn Thu Lương[14] làm Tiểu đoàn trưởng. Giai đoạn làm Đại đội trưởng ở các Tiểu đoàn 3 và 1, ông đã cùng đơn vị tham dự các cuộc hành quân giải vây Đức Cơ (1965), các trận đánh ở Cheo Reo, Bồng Sơn (1966) thuộc Vùng 2 chiến thuật, Thừa Thiên, Quảng Trị, đèo Ba Giốc (1967) thuộc Vùng 1 chiến thuật. Sau tết Mậu Thân 1968 cùng đơn vị hành quân tảo thanh địch ở vùng Đồng Ông Cộ, Bà Điểm, Hốc Môn, Tống Lê Chân, Kà Tum, sông Vàm Cỏ thuộc Vùng 3 chiến thuật.

Tháng 11 năm 1968, Nguyễn Đình Bảo được thăng cấp Thiếu tá chuyển sang làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 9[15] dưới quyền Trung tá Nguyễn Thế Nhã[16] làm Tiểu đoàn trưởng, thuộc Lữ đoàn 1 Nhảy dù[17] do Đại tá Lê Quang Lưỡng làm Lữ đoàn trưởng. Ông đã cùng đơn vị tham dự các trận đánh ở Khe Sanh, Hạ Lào. Tháng 5 năm 1971, ông được thăng cấp Trung tá chuyển sang Lữ đoàn 2[18]do Đại tá Trần Quốc Lịch làm Lữ đoàn trưởng, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy dù[19] thay thế Trung tá Ngô Lê Tĩnh[20] chuyển qua Lữ đoàn 3[21] làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2.

Tử trận[sửa]

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, tình hình chiến sự ở Quân khu 2 leo thang đến đỉnh điểm. Quân đội Bắc Việt Nam từ khu vực ngã ba biên giới Việt - Miên - Lào liên tục pháo kích, xâm nhập tấn công vào các cứ điểm quân sự cùng những khu dân cư do Chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng hòa chủ quyền kiểm soát. Đầu tháng 3 năm 1972, Tiểu đoàn 11 Nhảy dù do ông chỉ huy, nhận lệnh di chuyển lên Cao nguyên trấn đóng ở cao điểm Charlie với nhiệm vụ kiểm soát và ngăn chận việc chuyển quân của đối phương.

Ngày 12 tháng 4 năm 1972, Quân đội Bắc Việt Nam từ biên giới pháo kích cường tập nhiều đợt bằng đại pháo 130 ly xuống đỉnh đồi Charlie nơi tiểu đoàn của ông đang đóng quân, một trái đạn rơi trúng ngay nóc hầm nơi ông đang chỉ huy đơn vị, hầm bị sụp khiến ông tử thương tại chỗ.

Ngay sau đó, sĩ quan và binh sĩ của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn nỗ lực moi hầm đưa thi thể ông vào một vị trí an toàn để chờ phương tiện trực thăng chuyển về tiền cứ. Nhưng đối phương lại tiếp tục pháo kích, mọi người phải nhanh chóng rút vào hầm trú ẩn.

Tiểu đoàn phó là Thiếu tá Lê Văn Mễ[22] lên thay ông chỉ huy tiểu đoàn phản công quyết liệt trước những đợt tiền pháo hậu xung liên tục của Quân đội Bắc Việt Nam. Ngày 18 tháng 4 sau 1 tuần lễ giao tranh, Quân đội Bắc Việt Nam với quân số và vũ khí vượt trội hơn cùng với sự yểm trợ của đại pháo ở cự ly gần, họ đã dùng chiến thuật biển người tràn ngập cứ điểm. Để bảo toàn quân số còn lại, Thiếu tá Lê Văn Mễ buộc phải điều động đơn vị rút khỏi trận địa. Ngay sau khi những chiến binh còn lại của tiểu đoàn di tản chiến thuật đến một vị trí an toàn, đơn vị Không quân Hoa Kỳ điều các Pháo đài bay B.52 cấp tập thả bom trải thảm san bằng cứ điểm. Thi thể của Nguyễn Đình Bảo cùng với một số người lính khác vĩnh viễn nằm lại "đồi Charlie". Ông mất đi khi mới tròn 36 tuổi.

Hạ tuần tháng 4 năm 1972, Bộ tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù cử hành nghi lễ truy điệu, truy thăng Nguyễn Đình Bảo cấp Đại tá và truy tặng Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng cùng Huy chương Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu.

Gia đình[sửa]

Khoảng đầu thập niên 60, Đại tá Nguyễn Đình Bảo lập gia đình với một nữ chiêu đãi viên hàng không sinh năm 1940. Sau khi ông hy sinh, bà đã ở vậy thờ chồng nuôi con. Ông bà có ba người con: Nguyễn Bảo Tường, Nguyễn Bảo Tú và Nguyễn Bảo Tuấn, hiện đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích[sửa]

  1. Lỗi kịch bản: Không tìm thấy mô đun “Citation/CS1”.
  2. 2,0 2,1 ‘Hổ Xám’ Phạm Châu Tài và những giờ phút cuối ở Bộ Tổng Tham mưu
  3. Bác sĩ Nhảy Dù Phạm Gia Cổn và ba trận đánh Kon Tum, An Lộc, Quảng Trị
  4. Hành trình tìm hài cốt lính VNCH: "39 năm, anh em nằm dưới nền đất lạnh"
  5. ‘Những Người Lính Bị Bỏ Rơi’ sắp ra mắt khán giả hải ngoại trước thềm 30/4
  6. Các Thiếu úy tốt nghiệp khóa 14 Võ bị Đà Lạt với Thiểu úy Nguyễn Đình Bảo, về sau lên cấp Đại tá còn có:
    -Đại tá Ngô Kỳ Dũng (Sinh năm 1935 tại Hải ngoại. Chức vụ sau cùng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 bộ binh).
    -Đại tá Nguyễn Chí Hiếu (Sau cùng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh).
    -Đại tá Nguyễn Năng Tế (Phục vụ ở Bộ Quốc phòng, là phu quân của Nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh).
  7. Binh chủng Nhảy dù nguyên là những đơn vị cơ động của Quân đội Liên hiệp Pháp. Ngày 29/9/1954 được bàn giao cho Quân đội Quốc gia, sau đó được tổ chức thành cấp Liên đoàn Nhảy dù, Liên đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu tá Đỗ Cao Trí, năm 1959 cải tên thành Lữ đoàn và ngày 1/12/1965 nâng cấp lên thành Sư đoàn, Tư lệnh đầu tiên ở cấp Sư đoàn là Chuẩn tướng Dư Quốc Đống.
  8. Tiểu đoàn 8 Nhảy dù được thành lập ngày 1 tháng 11 năm 1959 tại Sài Gòn bởi nghị định số 301/QP/NĐ của Bộ Quốc phòng.
  9. Đại úy Trương Quang Ân đang là Trưởng phòng 3 của Lữ đoàn Nhảy dù, nhận lệnh thành lập Tiểu đoàn 8 Nhảy đồng thời làm Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn từ ngày 1/11/1959 đến ngày 22/11/1961.
  10. Đại úy Trần Văn Hai sinh năm 1929 tại Long An, tốt nghiệp khóa 4 Lý Thường Kiệt trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Chánh Sở Liên lạc thuộc Nha Kỹ thuật Bộ Tổng Tham mưu.
  11. Tiểu đoàn 3 Nhảy dù được thành lập ngày 1/9/1952 tại Trường Bưởi, Hà Nội do Thiếu tá Monteil sĩ quan người Pháp làm Tiểu đoàn trưởng. Sau Hiệp định Genève (20/7/1954), người Pháp bàn giao Tiểu đoàn cho Quân đội Quốc gia tiếp quản. Ngày 20/5/1955, sĩ quan người Việt đầu tiên chỉ huy đơn vị này là Đại úy Phan Trọng Chinh.
  12. Thiếu tá Khiếu Hữu Diêu sinh năm 1928 tại Thái Bình, tốt nghiệp khóa 9 Huỳnh Văn Louis trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Sau cùng là Đại tá Tinh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu An Giang.
  13. Tiểu đoàn 1 Nhảy dù được thành lập ngày 1/5/1951 tại Sài Gòn bởi quyết định số 1547/EMIFT/1 (Etat Major Interarmees des Forces Terrestres ngày 15/7/1951) do một sĩ quan người Pháp gốc Việt làm Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Đại úy Albert Lê Quang Triệu (năm 1955, Đại úy Triệu chuyển sang Quân đội Quốc gia được thăng cấp Thiếu tá, trong cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị phe đảo chính sát hại cùng với người anh ruột là Đại tá Lê Quang Tung)
  14. Thiếu tá Nguyễn Thu Lương sinh năm 1934 tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 4 Cương Quyết trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Sau cùng là Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy dù.
  15. Tiểu đoàn 9 Nhảy dù được thành lập ngày 1/10/1965 bởi nghị định số 060/QP/NĐ của Bộ Quốc phòng do Thiếu tá Lê Văn Huệ làm đơn vị trưởng đầu tiên (trung tuần tháng 5 năm 1967, Thiếu tá Huệ tử trận, được truy thăng Trung tá, Thiếu tá Nguyễn Thế Nhã thay thế làm Tiểu đoàn trưởng).
  16. Trung tá Nguyễn Thế Nhã sinh năm 1935 tại Hà Đông, tốt nghiệp khóa 4 phụ Cương Quyết 2 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (thụ huấn ở trường Võ bị Đà Lạt mang tên khóa 10B). Năm 1973 chuyển sang Sư đoàn 1 Bộ binh làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 54, năm 1974 tử trận được truy thăng Đại tá.
  17. Lữ đoàn 1 Nhảy dù được thành lập ngày 15/11/1961 với tên gọi ban đầu là Chiến đoàn 1, đơn vị tác chiến trực thuộc là 2 Tiểu đoàn 1 và 8 (năm 1965, có thêm Tiểu đoàn 9 mới thành lập). Thiếu tá Dư Quốc Đống làm Chiến đoàn trưởng đầu tiên. Ngày 1/12/1965 cải tên là Lữ đoàn 1 Nhảy dù.
  18. Lữ đoàn 2 Nhảy dù được thành lập ngày 15/11/1965 với tên ban đầu là Chiến đoàn 2 (thành lập cùng ngày với Chiến đoàn 1), đơn vị tác chiến trực thuộc là 2 Tiểu đoàn 5 và 7 (năm 1967, có thêm tiểu đoàn 11 mới thành lập). Thiếu tá Đỗ Kế Giai làm chiến đoàn trưởng đầu tiên. Ngày 1/12/1965 cải tên là Lữ đoàn 2 Nhảy dù.
  19. Tiểu đoàn 11 Nhảy dù được thành lập ngày 1/12/1967 tại Sài Gòn. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là Thiếu tá Nguyễn Viết Cần (Thiếu tá Cần là em ruột của cố Trung tướng Nguyễn Viết Thanh, sinh năm 1933 tại Long An, tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức K4 Cương Quyết. Năm 1967 chuyển qua đơn vị Bộ binh, năm 1969 lên Trung tá làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 33 thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh. Tháng 6/1972 tử trận khi đang chỉ huy đơn vị giải vây thị xã An Lộc, do trúng đạn pháo kích của Quân đội Bắc Việt Nam).
  20. Trung tá Ngô Lê Tĩnh tốt nghiệp khóa 4 phụ Võ khoa Thủ Đức (K.10B Võ bị Đà Lạt)
  21. Lữ đoàn 3 Nhảy dù được thành lập ngày 1/8/1966 với tên gọi ban đầu là Chiến đoàn 3. Chỉ huy đầu tiên là Trung tá Nguyễn Khoa Nam với các đơn vị tác chiến trực thuộc là Tiểu đoàn 2 (Tiểu đoàn 2 Nhảy dù được thành lập ngày 1/9/1965 tại Sài Gòn, chỉ huy đầu tiên là Thiếu tá Lê Quang Lưỡng), Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 (Tiểu đoàn 6 Nhảy dù được thành lập ngày 1/3/1954 tại Hà Nội, chỉ huy đầu tiên là Thiếu tá Đỗ Cao Trí).
    Ngày 1/5/1968 Chiến đoàn 3 cải tên thành Lữ đoàn 3 Nhảy dù.
  22. Thiếu tá Lê Văn Mễ sinh năm 1940, tốt nghiệp khóa 18 Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Sau cùng là Trung tá Trưởng phòng 3 tại Bộ tư lệnh Sư đoàn Nhảy dù.

Tham khảo[sửa]

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy - Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa (2011)
  • Sự thật về hài cốt của cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo
  • Người ở lại Charlie - Trần Gia Phụng


This article "Nguyễn Đình Bảo (Đại tá, Quân lực VNCH)" is from Wikipedia. The list of its authors can be seen in its historical and/or the page Edithistory:Nguyễn Đình Bảo (Đại tá, Quân lực VNCH). Articles copied from Draft Namespace on Wikipedia could be seen on the Draft Namespace of Wikipedia and not main one.



Read or create/edit this page in another language[sửa]