Bùi Thị Hý
Lỗi Lua trong package.lua tại dòng 80: module 'Mô đun:Message box/configuration' not found.
Lỗi kịch bản: Không tìm thấy mô đun “Unsubst”.
Bùi Thị Hý là một người phụ nữ được ông Tăng Bá Hoành, nguyên trưởng ban Thông sử Tỉnh ủy Hải Hưng, nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương, cho là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu. Đây là một nhân vật không có thật, bắt nguồn từ việc hiểu sai ý nghĩa của một dòng chữ Hán trên một chiếc bình gốm Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Hoành đã chứng minh cho sự tồn tại của bà Bùi Thị Hý bằng các tư liệu ngụy tạo.[1][2][3]
Từ "Bùi thị hý bút" đến "Bùi Thị Hý"[sửa]
Tại Bảo tàng Topkapi Saray ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có một chiếc bình gốm hoa lam Việt Nam. Trên chiếc bình gốm này có dòng chữ Hán như sau:[1][2][3]
- Nguyên văn Hán văn:
- 大和八年南策州匠人裴氏戲筆
- Phiên âm Hán Việt:
- Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi thị hý bút
- Dịch nghĩa:
- Năm Thái Hòa thứ tám (Tây lịch năm 1450), người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách nghịch bút
Chữ 大 trong dòng chữ Hán kể trên là chữ thông giả của chữ 太, đọc là thái, không đọc là đại. "Hý bút" 戲筆 nghĩa đen là nghịch bút, nghĩa bóng là dùng bút mà sáng tác thơ văn, tranh vẽ theo ngẫu hứng.[1][2][3] Tại cuộc triển lãm nghệ thuật Trung Quốc ở Luân Đôn (Anh quốc) năm 1936 có một chiếc bình gốm cũng được làm ở châu Nam Sách và cũng có một dòng chữ Hán trong đó có hai chữ "hý bút" 戲筆:[3]
- Nguyên văn Hán văn:
- 大和八年匠人南策州裝氏戲笔
- Phiên âm Hán Việt:
- Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút.
- Dịch nghĩa:
- Năm Thái Hòa thứ tám, người thợ họ Trang ở châu Nam Sách nghịch bút.
Một người Nhật Bản tên là Makoto Anabuki, từng làm bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, có biết đến chiếc bình gốm có bốn chữ "Bùi thị hý bút" 裴氏戲筆 nói trên. Ông hiểu sai nghĩa của hai chữ "hý bút" 戲筆, cho rằng "hý" 戲 là tên riêng, "bút" 筆 nghĩa là vẽ, 裴氏戲筆 nghĩa là Bùi Thị Hý vẽ. Ông Anabuki chỉ biết chiếc bình được chế tác tại Việt Nam nhưng không rõ địa điểm cụ thể. Ông xác định châu Nam Sách xưa nằm trên đất của tỉnh Hải Hưng của Việt Nam hiện nay nên năm 1980 ông gửi thư cho ông Ngô Duy Đông, bí thư tỉnh ủy Hải Hưng, nhờ ông Đông tìm hiểu hộ xem chiếc bình gốm kia có đúng là được làm ở Hải Hưng hay không, bà Bùi Thị Hý là ai.[1][2][3]
Sau khi nhận được thư của ông Anabuki, ông Đông giao cho ông Tăng Bá Hoành, trưởng ban Thông sử của Tỉnh ủy Hải Hưng, nhiệm vụ đi tìm hiểu xuất xứ của chiếc bình. Ông Hoành xác định chiếc bình gốm được làm tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng, còn bà Bùi Thị Hý lai lịch thế nào thì nhất thời ông cũng chưa rõ.[1][4]
Năm 2006, có hai người là ông Bùi Văn Lợi và ông Bùi Xuân Nhạn đem đến cho ông Hoành xem một văn bản Hán văn mà theo họ là gia phả của dòng họ Bùi ở thôn Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, trong đó có viết về bà Bùi Thị Hý. Theo gia phả này thì bà Bùi Thị Hý sinh năm Canh Tý (Tây lịch năm 1420) tại trang Quang Ánh (nay là thôn Quang Tiền). Bà Hý là cháu nội của ông Bùi Quốc Hưng, cha bà là ông Bùi Đình Nghĩa. Bà Hý có hai đời chồng, người chồng đầu tiên là ông Đặng Sĩ, sau khi ông Đặng Sĩ mất bà lấy ông Đặng Phúc. Cả hai ông Đặng Sĩ và Đặng Phúc đều là người làng Chu Nhẫm (nay là làng Chu Đậu), huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách. Bà Hý mất ngày 12 tháng 8 năm Kỷ Mùi (Tây lịch năm 1499).[2]
Sau đó ông Hoành đã tới thôn Quang Tiền để tìm thêm thông tin về bà Hý. Dựa vào những tư liệu thu thập được ông kết luận rằng bà Bùi Thị Hý là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu.[2]
Chứng cứ được ông Hoành sử dụng để chứng minh bà Hý là cụ tổ của nghề gốm Chu Đậu là hai viên gạch có khắc hình người và một số hiện vật có viết hoặc khắc chữ Hán có nhắc đến tên bà Bùi Thị Hý như một văn bản Hán văn dài sáu trang được cho là chép lại từ gia phả cũ, một chiếc mâm đồng có khắc chữ Hán được cho là chép lại từ văn bia trên một tấm bia đá, một cột trúc đài bằng đá có khắc chữ Hán, trong đó có bốn chữ Hán "Bùi thị húy Hý", trong ngôi chùa Viên Quang tự... Hình người khắc trên hai viên gạch được ông Hoành cho là hình bà Bùi Thị Hý và ông nội của bà, ông Bùi Quốc Hưng. Theo ông Hoành hình người mà ông cho là bà Bùi Thị Hý có phần giống với bức tượng gốm tìm thấy trong một con tàu đắm chở gốm Chu Đậu ở Cù lao Chàm.[2]
Theo ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, những hiện vật có văn tự được ông Hoành dùng làm chứng cứ đều có niên đại rất muộn. Bốn chữ Hán "Bùi thị hý bút" 裴氏戲筆 không hề có nghĩa là có một bà nào đó tên là Bùi Thị Hý vẽ như ông Hoành vẫn nhầm tưởng. Việc ông Hoành cho rằng bức tượng tìm thấy trong tàu đắm ở Cù lao Chàm là tượng của bà Bùi Thị Hý là gán ghép khiên cưỡng. Nhiều chữ trên cột trúc đài ở chùa Viên Quang tự, bao gồm cả bốn chữ "Bùi thị húy Hý", mới được khắc vào gần đây, không phải từ xưa đã có. Theo ông Trần Đại Vinh, một chuyên gia về gia phả, văn bản được cho là chép lại từ gia phả cũ có thể thức khác lạ, không giống thể thức thường gặp trong các gia phả khác. Cách viết và cách dùng từ trong các văn bản được ông Hoành dùng làm chứng cứ không giống với cách viết và cách dùng từ trong các văn bản thời xưa, một số chữ được viết theo cách viết thời nay. Một giảng viên chuyên ngành Hán-Nôm ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có chung nhận định với ông Nguyễn Đình Chiến là trên cột trúc đài có những chữ mới được vào gần đây. Chữ khắc trên viên gạch có khắc hình người mà ông Hoành cho là ông Bùi Quốc Hưng không giống với cách viết thời xưa và lại còn dùng sai chữ Hán.[2]
Xem thêm[sửa]
Chú thích[sửa]
- ↑ 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 Thái Lộc, Trần Mai. Giải mã gốm Chu Đậu, Kỳ 1: Từ bức thư của một người Nhật, Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
- ↑ 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 2,6 2,7 Thái Lộc, Trần Mai. Giải mã gốm Chu Đậu, Kỳ 4: “Bùi Thị Hý bút”, Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
- ↑ 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 An Tri. 'Bùi thị hý bút” nghĩa là gì?, PetroTimes. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
- ↑ Thái Lộc, Trần Mai. Giải mã gốm Chu Đậu, Kỳ 2: Bất ngờ ở “thánh địa” Nam Sách, Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 7 tháng 5 năm 2016.
Liên kết ngoài[sửa]
- Gốm Chu Đậu tại Vietantique.com
- Bài viết của Ivo Vasiljev về dòng gốm Chu Đậu-Mỹ Xá
This article "Bùi Thị Hý" is from Wikipedia. The list of its authors can be seen in its historical and/or the page Edithistory:Bùi Thị Hý. Articles copied from Draft Namespace on Wikipedia could be seen on the Draft Namespace of Wikipedia and not main one.