Chắn
Lỗi Lua trong package.lua tại dòng 80: module 'Mô đun:Message box/configuration' not found.
Lỗi kịch bản: Không tìm thấy mô đun “Unsubst”.
Chắn là một trò chơi bài lá cải tiến và đơn giản hóa từ trò Tổ tôm. Đây là 2 trò chơi dân gian phổ biến của người dân Việt Nam.
Có ba cách chơi chắn là bí tứ (phổ biến nhất), bí tam và bí ngũ.
Bộ bài[sửa]
Bộ bài chắn gồm 100 quân chia làm 25 loại (mỗi loại 4 quân): nhị vạn, nhị văn, nhị sách, tam vạn,.. cửu vạn, cửu văn, cửu sách và chi chi.
Bí tứ[sửa]
Bí tứ là cách chơi phổ biến hơn bí ngũ và tổ tôm (xét theo số người chơi nói chung. Tuy nhiên các cụ già lại thường chơi tổ tôm hơn) Trong cách chơi này, bộ bài tổ tôm được bỏ đi 20 quân: lão, thang, nhất vạn, nhất văn, nhất sách (Còn lại 100 quân)
Chia bài, chọn nọc, bốc cái[sửa]
2 đến 4 người chơi ngồi vòng tròn trên chiếu, mỗi người được chia 19 lá bài. Những lá còn lại đặt giữa chiếu gọi là Nọc.
Cách chia: 2 người cùng chia (2 người thua ván trước nếu chơi 3 người, hoặc 2 người không chéo cánh với người ù ván trước nếu chơi 4 người). Mỗi người lấy khoảng 1 nửa bộ bài, chia rải đều, úp mặt thành 5 phần (2 người chia làm 10 phần), để lại thừa 5 quân. Khi chia xong, lấy 5 phần này bỏ vào 5 phần kia thành 5 phần chung. 5 lá thừa được đưa cho người thắng ván trước để chọn nọc
.
Chọn nọc, bốc cái: Người thắng ván trước bỏ 5 lá thừa vào một phần bài bất kỳ để làm nọc. Rồi rút ngẫu nhiên 1 quân trong nọc, lật ngửa vào một phần bài bất kỳ trong 4 phần còn lại - phần này gọi là bài cái, quân lật ngửa gọi là Cái
Việc bốc cái là để xác định ai được phần bài nào và ai là người đánh đầu tiên trong ván:
Từ quân cái, xác định được một số (chi là 1, nhị là 2, tam là 3,..). Đếm từ người bốc cái là 1, lần lượt theo chiều tay phải, người tiếp theo là 2, tiếp nữa là 3,.. đến số của quân cái là người được phần bài cái và được đánh đầu.
Chẳng hạn, nếu chơi 4 người (A,B,C,D) (B và D chéo cánh), B bốc cái được quân thất vạn. Đếm B là 1, C là 2,..lần lượt sẽ là: BCDABCD, tức đến 7 (thất) sẽ là D. Vậy D được phần bài cái. Những phần bài còn lại sẽ lần lượt được đưa cho từng người: Phần ngay bên phải phần bài cái được đưa cho A - là người ngay bên phải người được bài cái (D), phần tiếp nữa đưa cho B & phần bên trái bài cái đưa cho C (C bên trái D).
Để dễ nhớ: ngũ (cửu, chi chi) nhất cái, nhị (lục) tiến, tứ (bát) tụt, tam (thất) đối. Nghĩa là, như trong trường hợp trên B bốc được thất "đối" => người "đối" với B (là D) được cái. Tương tự, nếu B bốc được nhị văn chẳng hạn, thì nhị "tiến" => người "tiến" với B (là C) được cái.
Chắn, cạ, ba đầu, què[sửa]
Chắn: Là 2 quân bài giống hệt nhau. Ví dụ: 2 quân chi chi, hoặc 2 quân nhị văn
Cạ: Là 2 quân bài giống nhau về số, khác chất. Ví dụ: 2 quân [nhị vạn, nhị văn]
Ba đầu: Là 3 quân cùng số, khác chất. Vd: Ba đầu cửu là [cửu vạn, cửu văn, cửu sách]
Què: Khi lên bài (sau khi được chia), thường sẽ phải xếp lại bài cho dễ nhìn: Chọn hết các chắn xếp trước, rồi xếp cạ, ba đầu. Những quân lẻ ra gọi là quân Què, xếp ngoài cùng (Những quân này thường được ăn vào/ đánh đi để thêm chắn/ cạ => để tròn bài => ù)
Đánh bài[sửa]
Theo vòng tay phải, mỗi người khi đến lượt có thể thực hiện: Đánh, Bốc Nọc, Ăn, Dưới, Chíu, Trả Cửa, Ù
Đánh: Lấy 1 quân trong bài của mình đánh ngửa xuống chiếu bên tay phải.
Chỗ ở giữa 2 người chơi cạnh nhau gọi là Cửa. Cửa bên phải của 1 người gọi là cửa chì của người đó, cửa bên trái gọi là cửa trên, bên phải là cửa dưới. (Vậy cửa trên của 1 người cũng là cửa chì của người bên trái)
Bốc Nọc: Bốc 1 lá trong Nọc đặt ngửa vào cửa chì
Ăn: Nếu quân bài dưới chiếu hợp với 1 quân nào đó trên tay thành Chắn hoặc Cạ thì có thể Ăn: Nhặt quân dưới chiếu đặt ngửa vào lòng, rồi rút quân trên tay đặt ngửa lên trên quân vừa ăn được.
Khi 1 người vừa Bốc, thì người đó được quyền ăn quân vừa bốc đó. Nếu không ăn thì hô "Dưới", khi đó, người bên phải được quyền Ăn. (Nếu người đó cũng không ăn thì họ có thể Bốc để Ăn quân chính họ vừa bốc (hoặc lại có thể Dưới).
Chíu: Là cách ăn đặc biệt:
Mình có 3 quân bài giống hệt nhau, dưới chiếu lại có 1 quân nữa cũng giống như vậy thì có thể ăn quân dưới chiếu dù quân đó được bất kỳ ai Bốc, hoặc Đánh.
(Chú ý là, Ăn thì chỉ được ăn quân mình vừa Bốc hoặc quân người cửa trên vừa Dưới, và phải tới lượt mình thì mới được ăn. Nhưng Chíu thì có thể chíu quân do bất kỳ ai bốc hoặc đánh, và chưa cần tới lượt vẫn được chíu)
Trả Cửa: Khi 1 quân được bốc hoặc đánh vào Cửa của ai đó, dù chưa đến lượt mình, mình vẫn có thể Chíu trước khi người khác ăn (Chíu ưu tiên hơn Ăn). Sau đó mình phải Trả Cửa: Đánh 1 quân thế vào chỗ quân mình vừa Chíu để ván chơi được tiếp tục bình thường.
Ù: Mục tiêu của trò chơi là Ù - đó là khi 19 quân của mình (gồm cả những quân Ăn được) hợp với 1 quân vừa bốc từ nọc (bất kỳ ai bốc) thành 10 bộ (Chắn hoặc Cạ), trong đó có ít nhất 6 Chắn (Chíu được tính là 2 chắn).
Ù đè (nếu 2 người trở lên chờ trùng 1 quân hay một hàng (bí) cửa chì ưu tiên nhất sau đó quay ngược chiều đến cửa nhà ngồi dưới. Nghĩa là mình với nhà dưới thì mình ù đè được ở 3 cửa, chéo cánh là 2 cửa, còn đè nhà trên chỉ duy nhất có cửa chì.
Chú ý mục chíu ù, bạch thủ chi bên dưới.
Luật đánh bài[sửa]
Khi chơi, không được vi phạm các luật sau (nếu vi phạm sẽ bị phạt như trong mục tính điểm):
Trái vỉ: Khi ăn cạ, phải lấy quân ăn được dưới chiếu bỏ vào lòng, rồi lấy quân ăn trên tay đặt lên trên quân ăn được. Nếu lại làm ngược lại: Đặt quân ăn được lên trên quân ăn của bài mình thì là trái vỉ.
(A. Ràng buộc với bài trên tay)[sửa]
1. Ăn treo tranh: Ăn được thành chắn nhưng lại ăn cạ
Vd: Trên tay có cửu vạn, cửu văn, ăn cửu vạn nhưng lại hạ cửu văn xuống chiếu thành cạ [cửu văn, cửu vạn] (đáng nhẽ phải hạ chắn cửu vạn tức là ăn gài)
2. Chíu được nhưng lại ăn thường
Vd: Có 3 quân cửu vạn, bốc được cửu vạn, đáng nhẽ phải chíu thì lại chỉ hạ 1 quân cửu vạn xuống để ăn thường => bỏ chíu => treo tranh.
3. Ăn chọn cạ: Lấy 1 quân trong cạ sẵn có để ăn cạ
Vd: Có cạ [cửu vạn, cửu văn], lấy cửu vạn ăn cửu sách
Chú ý: Trường hợp có 1 cửu vạn và 2, hoặc 4 cửu văn không gọi là "có cạ" cửa vạn, văn (Vì cửu văn nằm trong chắn rồi, cửu vạn là quân lẻ). Khi đó vẫn được lấy cửu vạn ăn cửu sách
4. Ăn cạ chuyển chờ: Lấy 1 quân chờ ù để ăn cạ
Vd: Đã có >= 5 chắn, chỉ què cửu vạn, không có ba đầu. Lấy cửu vạn ăn cửu văn
Chú ý: Nếu đang chờ ù ba đầu cửu, lại lấy cửu vạn ăn cửu văn thì là phạm lỗi treo tranh (hoặc nếu cửu văn là quân bốc từ nọc ra thì là phạm lỗi bỏ ù)
. Cũng có một số ít nơi chơi ăn cạ đổi chờ.
5. Có chắn cấu cạ: Lấy 1 quân trong chắn sẵn có để ăn cạ
Vd: Có chắn cửu vạn, không có cửu văn, lấy cửu vạn ăn cửu văn
(B. Ràng buộc với những quân đã bỏ không ăn)[sửa]
6. Bỏ chắn ăn chắn: Trước đã bỏ không ăn chắn này, giờ lại đòi ăn
7. Bỏ chắn ăn cạ: Lấy 1 quân - mà trước đó đã bỏ ăn chắn - để ăn cạ
8. Bỏ cạ ăn cạ: Lấy 1 quân - mà trước đó đã bỏ ăn cạ - để ăn cạ.
9. Bỏ chắn đánh chắn: Bỏ không ăn một con sau lại đánh đúng con đó
Vd: Trước đã bỏ không ăn cửu vạn, nếu sau đó lại:
Lấy cửu vạn ăn cửu vạn => lỗi 6
Lấy cửu vạn ăn cửu văn => lỗi 7
Lấy cửu văn ăn cửu sách => lỗi 8
Đánh cửu vạn đi => lỗi 9
(Chú ý: Được lấy cửu văn/ sách để ăn chắn - tức được bỏ cạ ăn chắn)
(C. Ràng buộc với những quân đã đánh)[sửa]
10. Đánh cạ ăn cạ: Đã đánh cả 1 cạ (2 quân) đi thì không được ăn bất kỳ cạ nào nữa
Vd: Nếu đã đánh cạ [cửu vạn, văn], sau lại ăn cạ [tam văn, tam sách]
11. Xé cạ ăn cạ: Đã đánh 1 quân, sau không được dùng quân hàng đó để ăn cạ
Vd: Đã đánh cửu vạn, sau lại lấy cửu văn ăn cửu sách
12. Đánh 1 quân rồi sau lại ăn đúng quân đó
13. Đánh đôi chắn đi
Vd: Đánh cửu vạn, sau lại đánh tiếp 1 quân cửu vạn nữa
(D. Ràng buộc với những quân đã ăn)[sửa]
14. Ăn một con rồi sau lại đánh đúng con đó
15. Ăn cạ rồi lại ăn chắn cùng hàng
Vd: Đã lấy cửu văn ăn cửu vạn, sau lại ăn chắn cửu (bất kỳ cửu gì)
16. Đánh cạ khi đẵ ăn cạ
Vd: Đã đánh cả tam văn, tam sách đi (đánh cạ), sau đó lại lấy cửu vạn ăn cửu sách (ăn cạ)
17. Ăn cạ đánh con cùng hàng
Vd: Đã lấy cửu vạn, ăn cửu văn, sau lại đánh cửu sách đi
Cước, Xướng[sửa]
Cước[sửa]
== Khi Ù, nếu bài ù có những điểm đặc biệt thì sẽ được ăn thêm tiền.
Điểm đặc biệt ấy gọi là Cước, chẳng hạn bài toàn quân đen thì gọi là cước Bạch Định.
Chắn (bí tứ) có những cước sau:
1. Xuông: Bài ù không có gì đặc biệt (không có cước nào) thì gọi là ù xuông. Tùy theo quy định của làng (tập thể những người chơi gọi là làng), có thể cho phép ù xuông hay không (Thậm chí có làng còn quy định chỉ được ù cước từ 4,5,.. điểm trở lên)
2. Thông: Nếu ván trước ù và xướng đúng, ván sau cũng ù thì ván sau được hô cước thông (nếu hòa, xướng sai, bỏ ù, ù báo hoặc ù láo thì ván sau không được hô thông)
3. Chì: Nếu ù quân ở cửa chì (do mình bốc, hoặc do người khác chíu rồi trả cửa, rồi mình chíu ù)
4. Thiên ù: Người có cái (được chia 20 quân) tròn bài, ù luôn thì gọi là thiên ù
5. Địa ù: Ù khi chưa qua cửa chì.
Giải thích: + Có thể ù quân bốc nọc đầu tiên, cũng có thể ù khi nọc chưa được bốc phát nào (địa chíu ù)
+ Nếu đã qua lượt mình (qua cửa chì) mới ù thì không phải địa ù. Tuy nhiên có thể lên bài mình chưa chờ ù, nhưng khi chưa đến lượt mình, mình lại chíu được 1 phát rồi chờ ù. Sau đó mình ù khi vẫn chưa qua cửa chì thì vẫn là địa ù. (Cũng có một số nơi cây bốc đầu tiên là địa ù mà không cần điều kiện trước hoặc đã qua cửa chì).
6. Có chíu, 2 chíu,..: Nếu trong ván mình đã chíu 2 phát thì khi ù được hô "2 chíu"
7. Chíu ù: Chíu mà tròn bài, ù luôn thì là chíu ù. Bình thường chỉ được phép ù quân bốc từ nọc lên. Riêng chíu ù thì có thể ù quân người khác đánh/ hoặc trả cửa
Chú ý: Nếu chíu ù luôn thì là chíu ù, không được tính con chíu đó vào để hô "có chíu"
8. Có ăn bòn, 2 bòn,..: Đã có sẵn chắn (cửu vạn chẳng hạn), tách 1 quân ra để ăn chắn, sau lại lấy quân còn lại ăn chắn tiếp (=> ăn được 2 chắn cửu vạn). Cách ăn đó gọi là ăn bòn.
Nếu trong ván mình ăn bòn 2 phát thì hô "2 bòn"
9. Ù bòn: Khi bốc được 1 quân mà mình có thể ăn bòn, nhưng lại tròn bài, ù luôn thì là ù bòn (và không được đếm vào số bòn mình ăn)
10. Thiên khai: Trên tay có 4 quân giống nhau gọi là có thiên khai (Có thể có 1,2,3,4, thậm chí 5 thiên khai khi ù.)
11. Bạch thủ: Nếu quân ù chính số (không nằm trong 3 đầu) vừa đủ 6 chắn, 4 cạ
12. Bạch thủ chi: Điều kiện như trường hợp Bạch thủ, với quân ù là chi chi
Chú ý: + Nếu là bạch thủ chi mà hô "bạch thủ" thì vẫn là hô sai
+ Ù chi chỉ được phép ù bạch thủ chi (nếu đang có > 5 chắn, lẻ quân chi mà làng bốc lên chi thì cũng không được ù. Chỉ trường hợp ù chi > 6 chắn trong trường hợp lên bài chờ sẵn mà lên chi nhưng với điều kiện ràng buộc là không ăn được chắn hay cạ ở cả 2 cửa thì gọi là ù chi rộng chỉ được tính bằng xuông).
13. Thập thành: Bài ù có 10 chắn
14. Bạch định: Bài ù toàn quân đen
(Trong bí tứ có 20 quân đỏ: bát vạn, bát sách, cửu vạn, cửu sách, chi chi. 80 quân còn lại là đen)
15. Tám đỏ: Bài ù có đúng 8 quân đỏ (một số ít nơi đánh cả 10 đỏ - thập điều bằng tám đỏ 2 lèo)
16. Kính tứ chi: Bài ù có đúng 4 quân chi là đỏ
17. Lèo: Có cả cửu vạn, bát sách, chi chi thì gọi là có lèo. (Có thể có tối đa 4 lèo)
18. Tôm: Có cả tam vạn, tam sách, thất văn thì là có tôm.
19. Hoa rơi cửa phật: Bài của mình dưới chiếu có >=1 quân ngũ vạn (hình ngôi chùa), chì bạch thủ nhị vạn (hình hoa đào)
Giải thích: "Bài của mình dưới chiếu có >=1 quân ngũ vạn" nghĩa là mình đã ăn chắn ngũ vạn, hoặc chíu ngũ vạn
20. Nhà lầu xe hơi hoa rơi cửa phật: Có sẵn chắn ngũ vạn (nhà lầu), chắn tứ vạn (hình cái xe), chì bạch thủ nhị vạn (hoa đào)
Giải thích: "Có sẵn" nghĩa là không phải do ăn được mà có (chia bài đã có sẵn trên tay chắn ngũ vạn, chắn tứ vạn)
21. Cá lội sân đình: Giống hoa rơi cửa phật, thay nhị vạn bằng bát vạn. Nghĩa là, bài của mình dưới chiếu có >=1 quân ngũ vạn (đình), chì bạch thủ bát vạn (hình con cá)
Chú ý:
22. Ngư ông bắt cá: Trên tay có chi chi (2 chi) và 2 ngũ thuyền, chì bạch thủ bát vạn (hình con cá)
Chú ý:
+ Nếu xướng cước hoa/ hoặc nhà/ cá lại xướng cả chì và/ hoặc bạch thủ thì là xướng sai. Tuy nhiên, nếu xướng chì và/ hoặc bạch thủ mà không xướng hoa/nhà/cá thì vẫn coi là xướng đúng (nhưng tất nhiên không được tính tiền cước hoa/nhà/cá)
+ Có nơi chơi thêm luật: Khi chia bài không có chắn nào thì có thể hạ xuống tính là ù xuông hoặc tiếp tục chơi, nhưng nếu ù được (ăn được 6 chắn và ù) thì được tính bằng tám đỏ lèo hoặc thập thành
Xướng[sửa]
Khi ù, mình phải đọc tên các Cước mình có. Việc đọc này gọi là Xướng.
Nếu xướng thừa (sai) Cước mình không có thì sẽ bị đền tiền, xướng thiếu thì chỉ được ăn phần tiền tương ứng với những cước mình xướng.
Các cước xướng cũng cần theo 1 thứ tự logic:
+ Thông, chì hô trước,
+ Ù "kiểu gì": Thiên ù, địa ù, chíu ù, ù bòn hô tiếp theo. Chỉ hô 1 từ "ù", chẳng hạn nếu vừa địa ù, vùa chíu ù thì hô "địa chíu ù", hay "bạch thủ chíu ù chi"
+ Ù "có gì": Có tôm, có lèo, có chíu, có thiên khai, có ăn bòn hô sau cùng
Tuy nhiên, thường làng không bắt lỗi hô không đúng thứ tự (khác với trong trò tổ tôm, các cụ bắt hô phải đúng thứ tự, có vần, có điệu!)
Tính điểm, ăn tiền[sửa]
Điểm, Dịch[sửa]
Mỗi cước được quy định tương ứng với số Điểm và số Dịch
Khi ù (xướng đúng), dựa vào các cước xướng sẽ tính ra số điểm tổng, nhân tổng này với số tiền cho mỗi điểm sẽ ra số tiền mỗi người thua phải mất cho người ù
Điểm tổng được tính như sau:
+ Nếu chỉ xướng 1 cước thì điểm tổng = Điểm của cước đó
+ Nếu xướng nhiều cước thì điểm tổng = Điểm của cước có điểm lớn nhất + tổng số Dịch của các cước còn lại
Cước | Điểm | Dịch | Ghi chú |
---|---|---|---|
Xuông | 2 | n/a | |
Thông | 3 | 1 | |
Chì | 3 | 1 | |
Thiên ù | 3 | 1 | |
Địa ù | 3 | 1 | |
Chíu | 3 | 1 | có nơi chơi 4 điểm, 1 dịch |
Chíu ù | 3 | 1 | có nơi chơi 4 điểm, 1 dịch |
Bòn | 3 | 1 | có nơi chơi 4 điểm, 1 dịch |
Ù bòn | 3 | 1 | có nơi chơi 4 điểm, 1 dịch |
Thiên khai | 3 | 1 | có nơi chơi 4 điểm, 1 dịch |
Bạch thủ | 4 | 1 | có nơi chơi 3 điểm, 1 dịch |
Bạch thủ chi | 5 | 2 | có nơi chơi 6 điểm, 3 dịch |
Thập thành | 12 | 9 | tính bằng 8 đỏ 2 lèo |
Bạch định | 7 | 4 | có nơi chơi 6 điểm, 3 dịch |
Tám đỏ | 8 | 5 | có nơi: 7 điểm 4 dịch |
Kính tứ chi | 12 | 9 | tính bằng 8 đỏ 2 lèo |
Lèo | 5 | 2 | |
Tôm | 4 | 1 | |
Hoa rơi cửa phật | 20 | 17 | = 10 xuông |
Nhà lầu xe hơi hoa rơi cửa phật | 30 | n/a | = 15 xuông |
Cá lội sân đình | 20 | 17 | = 10 xuông, như cước hoa |
Gà[sửa]
Nếu chơi gà thì điểm tổng được cộng thêm với số gà * số điểm cho mỗi gà (thường là 5 điểm)
Những (tổ hợp) cước sau được tính gà:
- "Ù bòn bạch thủ" hoặc "ù bòn bạch thủ chi"
- thập thành (phần lớn tính = bạch định 2 tôm), hoặc kính tứ chi (phần lớn tính = 8 đỏ 2 lèo)
- Bạch định (nếu chơi gà rộng) hoặc "bạch định tôm" (nếu chơi gà hẹp)
- Tám đỏ (gà rộng) hoặc "tám đỏ lèo" (hẹp)
- Bạch thủ chi (có nơi không chơi cước này có gà)
- "Chì bạch thủ" (2 gà, hoặc 1 gà, tùy làng)
- "Chì bạch thủ chi" tính gà như "chì bạch thủ" VÀ "bạch thủ chi"
Ngoài ra mấy năm trở lại đây một số nơi chơi cả gà Lèo Tôm (nghĩa là khi ù có cả 2 cước Lèo và Tôm).
Ăn tiền, báo[sửa]
Nghỉ ăn tiền[sửa]
Khi ù, người ù phải hạ bài cho làng kiểm tra.
Nếu làng phát hiện ra người ù đã phạm lỗi một trong những lỗi sau thì người ù không được ăn tiền:
"ăn treo tranh", "trái vỉ", "chíu được nhưng lại ăn thường", "bỏ ù" (trước đó có thể ù 1 quân nào đó nhưng lại không ù, sau mới ù quân khác).
(Các cụ có câu: "Treo tranh, trái vỉ nghỉ ăn tiền")
(Chú ý là những lỗi này, trừ lỗi trái vỉ, cũng như tất cả những lỗi loại A như ở phần Luật đánh bài chỉ bị phát hiện khi làng xem bài).bài ù chinh cửa nhưng không hô chính cửa cũng không được ăn tiền
Ù láo, ù báo[sửa]
Chưa ù mà đã hô ù thì là ù láo
Ù, nhưng trước đó đã phạm lỗi mà không phải là lỗi nghỉ ăn tiền ở trên thì là ù báo
ù láo hoặc ù báo bị phạt = 8 đỏ 2 lèo.
ù bạch thủ mà không hô bị đền làng (trường hợp ù láo làng không kiểm tra ra thì sướng cước gì vẫn được hưởng cước ấy như bình thường).
Báo[sửa]
Nếu người chơi phạm một trong các lỗi loại B,C,D ở trên thì làng phát hiện ra ngay. Người đó gọi là bị báo. Khi bị báo, người này không được đánh hay ù nữa (chỉ bốc/ rồi dưới), và chờ đến khi ván kết thúc sẽ phải thay làng trả tiền cho người ù
Hy hữu:
+ người ù lại xướng sai thì (những) người báo không phải trả tiền, nhưng tiền người ù xướng sai chỉ được chia cho những người không báo
+ Có nhiều người báo trong 1 ván: Mỗi người đều mất tiền như là khi chỉ có mình người chơi báo (gọi là đền chồng). Người ù ăn cả.
Xướng sai, xướng thiếu[sửa]
Xướng sai (hoặc thừa) sẽ phải đền tiền cho làng: Đền cho mỗi người bằng số tiền tương ứng với cước mình xướng sai.
Xướng thiếu sẽ chỉ được ăn tiền những cước mà mình đã xướng.
Thứ tự xướng[sửa]
+ Thông, chì hô trước.
+ Ù "kiểu gì": Thiên ù, địa ù, chíu ù, ù bòn hô tiếp theo. Chỉ hô 1 từ "ù", chẳng hạn nếu vừa địa ù, vùa chíu ù thì hô "địa chíu ù".
+ Ù "có gì": Có tôm, có lèo, có chíu, có thiên khai, có ăn bòn hô sau cùng.
Tuy nhiên, thường làng không bắt lỗi hô không đúng thứ tự (Khác với trong trò tổ tôm, các cụ bắt hô phải đúng thứ tự, có vần, có điệu! (Có) Kinh!).
Cách đánh theo các thế bài[sửa]
Cách tính quân trơ nọc và bài làng trong đánh chắn rộng hơn rất nhiều so với đánh phỏm hay đánh tiến lên. Trong chơi chắn có cả hàng trăm cách tính theo mỗi ván bài hay thế bài khác nhau để phán đoán quân trơ ở nọc, cạ ở nọc, ba đầu ở nọc (thậm chí ở một số ít thế bài tính được cả chắn), cước sắc làng, không què quân gì, bài đó nhiều chắn hay ít, được chờ rộng hay bạch thủ chưa, cách chống làng có cước sắc to, để què quân gì, quân nào dễ chạm tùy theo thế bài, phá bài, gìm bài, cách phỏng đoán hàng què, hàng cước sắc, ù nhanh hay gò bài, bài nát, bắt quân rẻ, chạy đì hay không v.v... đều theo một logic (trừ trường hợp bài kín nghĩa là chờ luôn). Cách đánh cao và cách tính bài cơ bản trong đánh chắn và độ phỏng đoán (thể hiện đánh cao thấp của người chơi:
1 - Tính quân trơ lẻ thừa chẵn thiếu: 1 văn , 2 sách, 2 vạn thì quân trơ là quân văn: 3 văn, 3 sách, 2 vạn thì còn cạ văn sách, 1 hoặc 3 vạn, sách và văn thì còn cả 3 đầu... (cộng thêm quân nếu thế bài trùng với ý 14)
2 - Quy luật nếu một bài quá ít đỏ thì thường hay có bài gò được 8 đỏ (trừ khi đỏ chia đều hoặc nọc đỏ)
3 - Thường thì sau 2 vòng trở lên mới thấy đánh đì thì đại đa số là bỏ 3 đầu (bài này thường ít chắn)
4 - Nếu bỏ ăn cạ đầu cánh mà ăn cạ cuối cánh là bài ít chắn chưa được chờ
5 - Bài đánh chi thường thì đa số đã được chờ (trừ một số trường hợp tham bạch thủ lai tôm thiếu chắn)
6 - Nếu đánh cửu vạn, bát sách, chi chi thì phần lớn là bài đánh tẩy bạch định (trừ trường hợp què ít hộ giữ mảng tôm)
7 - Nếu đánh câu đỏ chạm chờ thường thì hay đánh bát vạn, cửu sách (xem thêm ý 2 hỗ trợ ý này)
8 - Bài đã đánh đến hàng cước sắc thường thì bài đó què rất ít (vì què nhiều không bao giờ họ đã đánh đến hàng cước sắc
9 - Bỏ cạ bát cửu ăn đầu cánh mà ăn cạ hàng khác cuối cánh có thể phòng bạch định (ý 4 không áp dụng trong trường hợp này)
10 - Nếu thừa chắn có thể xén chắn đi vừa tránh tỉ lệ bài dưới chạm đỉnh vừa chống được làng chíu (vừa loại bỏ được cách tính ở ý 1 mà người chơi hay dùng)
11 - Ăn ghé hay nâng 3 đầu rồi đánh đi (có tác dụng vô hiệu được cách tính ý 1 nhưng nhược điểm có thể bị chíu trái ngược với ý 10
12 - Đánh bài phải đì vì loại bỏ được 50% ăn cửa trên của nhà dưới cánh mình (nếu thế bài như ý 18 có thể không cần ấp dựng ý này)
13 - Nếu bài đánh quân trùng mới quân nhà chéo cánh đã đánh trước mà không thấy nhà dưới đánh đì quân đó thì là ăn đỉnh (vì ăn rút ruột thì họ phải đì, tương trợ thêm cho cách tính 1)
14 - Giống ý 13 nhưng là mình đánh sau ít nhất một vòng nhà dưới đã ăn thì là đỉnh ba đầu ít chắn
15 - Riêng trường hợp bỏ ba đầu hàng tam hay thất thì không bao giờ đánh tam sách, tam vạn hay thất văn (bổ sung cho thế bài và quy luật cơ bản ở ý 1 vì đây là hàng cước sắc)
16 - Bỏ ăn cạ cuối cánh sau đó đánh đi thế bài này xảy ra ở hai trường hợp là quá ít chắn, không quá 2 chắn hoặc nếu 3 - 4 chắn thì phải què 3 trong đó có 2 ba đầu
17 - Bài nhà dưới nếu đã đánh hàng cước sắc thì mình đánh hàng nhị, tứ, ngũ, lục chỉ có thể ăn rút ruột
18 - Có thể bài không cần phải đì nếu bài nhà dưới họ đã chờ rồi
19 - Nếu bài còn què nên đánh những quân chẵn trước và giữ lại quân lẻ để bắt chạm và để chờ (có thể đánh nếu thế bài trùng ý 12)
20 - Những bài họ đánh tam sách, tam vạn thường thì đa phần không có thất văn (bổ sung cho cách phỏng đoán bài)
21 - Đánh chạy đì tức là ăn rút ruột con gì của nhà trên sau đó mình lại đánh đi thì vòng sau họ không có quân đì tức là ăn gì đánh đấy (làm vô hiệu ý 12 của nhà trên)
22 - Nếu bài được chờ thì nên chờ những quân trơ, quân rẻ ở nọc tức là một cạ hay cả ba đầu (cộng tác cùng ý 19)
23 - Nên chờ những quân nhà trên họ đã ăn cạ để tránh bị ù đè (loại bỏ được vào rọ của nhà trên)
24 - Bài chờ trùng nhà trên rất khó ù vì mình chỉ 1 cửa trong khi họ 3 cửa, đây là nhược điểm của việc chạy đì và ăn rút ruột rồi đánh chính quân của nhà trên đã đánh sau này rất dễ chờ trùng (vào thế bài này thì ý 21 lại là nhược điểm)
25 - Chỉ có thể để chờ trùng nhà trên tức là ù một cửa nếu là rơi vào ván bài cực to bắt buộc phải chờ như tám đỏ, bạch định...
26 - Nếu nhà chéo cánh đánh tẩy đỏ mà nhà trên cánh họ không có quân đì thì mình có thể đánh bát văn, cửu văn để họ rút ruột có quân đì
27 - Nếu bài cướp cạ đỏ đầu cánh sau đó bỏ cạ đen đầu cánh đánh đi thì bài đó thèm đỏ nhưng ít chắn phải đánh đì mạnh (nếu thế bài này tuyệt đối phải áp dụng ý 12 tránh để họ được chờ 8 đỏ)
28 - Nếu bài chéo cánh đánh tẩy đỏ mà nhà trên họ không thấy đì cũng rất có thể họ thèm đỏ (vì quy luật theo ý 2, nên cũng bắt buộc phải sử dụng ý 12 tránh để mất gà 8 đỏ)
29 - Đánh bát văn, cửu văn có thể làm họ tẩy bạch định hoặc lai tám đỏ (nhược điểm của ý 26)
30 - Nếu bài nào ăn đầu cánh thì tuyệt đối là phải thêm chắn hoặc đỡ què, còn ăn cuối cánh cũng có thể chỉ là ăn ghìm cước sắc, ăn rút ruột đì quân khác hay ăn theo ý 11 để làng khó tính bài
31 - Ăn cạ đầu cánh thì là bài đó rất nhiều chắn từ 5 chắn trở lên hoặc 4 chắn thì phải có 2 ba đầu (trừ trường hợp thế bài đó giống ý 27)
32 - Nếu ăn bòn mà chắn bòn đầu tiên họ ăn ở cửa trên thì họ còn quân hàng đó nếu không thấy đánh đi (vì quy luật không ai hạ chắn ăn đầu cánh)
33 - Gần giống ý 32 nhưng chắn bòn họ ăn đầu tiên ở cuối cánh cũng có thể là họ ăn nâng ghé ba đầu nên ăn nốt chắn bòn là tròn hàng (ý này cũng phục vụ cho ý 1 để bắt bạch thủ)
34 - Nếu bài cái hàng ý mà đánh quân hàng ý có thể bị lộ ví dụ cái lục văn mà đánh lục sách thì họ biết mình có chắn lục văn (một số trường hợp bỏ ba đầu không liên quan ý này)
35 - Bài nào định chíu nhưng lại thôi chứng tỏ bài đó đang chờ chi vì chíu vào thừa chắn mà quân chíu lại tròn
36 - Có thể không áp dụng ý 35 trong trường hợp là chíu tam sách cạ với tam vạn hoặc chíu bát vạn cạ mới bát sách... vì cước chíu nhỏ hơn lèo và tôm (một số nơi đánh 4 quân giống nhau bằng tôm)
37 - Nếu bài chéo cánh nhà trên có dấu hiệu ù to như ý 6, ý 27 và ý 28 hoặc ăn được nhiều đỏ, hoặc tẩy đỏ mạnh mà bài mình xấu thì có thể không đì để nhà dưới họ chạm ù nhỏ ù nhanh (không áp dụng ý 12 nếu thế bài như thế này)
38 - Chờ ù nhanh quét ba đầu cho dễ ù vì ù to không bằng mau ù vì chỉ cần ù tôm ván sau thông chì tôm là bằng ù bạch định (ý này nói người mới học đánh thường tham bài nên hay thua, không bằng nhẹ thau mau múc)
39 - Nếu bài ít chắn nên giữ lại ba đầu cho dễ chạm đỉnh thậm chí đánh quân cước sắc đi (ý 17 không áp dụng trong thế bài này)
40 - Đánh bạch thủ hoặc xén đi đánh bạch thủ nếu bài có cây lẻ trơ ở nọc nếu lên sớm về về cửa chì sẽ được gà (nếu thế bài như này thì không áp dụng ý 38)
41 - Nếu họ ăn cạ tam sách tam vạn mà đánh thất sách hoặc thất vạn thì đa số là có chắn thất văn, nếu chờ bạch thủ quân này rất khó lên (đây là thế bài ngược lại với ý 20)
42 - Trường hợp bát hoặc cửu ở hàng lèo thì cũng áp dụng tương tự ý 41
43 - Tính quân chờ bằng việc loại bỏ phần lớn những quân cùng hàng ở hai bên cửa của họ, ngoài ra còn phải áp dụng thêm các ý có liên quan đến cách tính quân đã nêu
44 - Cách tính thứ 43 không phù hợp với bài hộ chờ bạch thủ vì đa phần không chơi ăn cạ đổi chờ
45 - Nếu bài nhà trên đánh bạch định tẩy đỏ thì mình nên giữ hàng bát, cửu, chi vừa để hứng vừa để kìm họ không dám tẩy đỏ tiếp
46 - Trường hợp nhà trên tẩy đỏ mà nhà dưới không hứng mà lại đánh đỏ đi thì những thế bài này thường thì bài nọc rất đỏ hoặc một nhà bài tám đỏ kín
47 - Nếu bài nào đã ăn được chi chi mà lại đánh bát sách thì bài đó thường không có cửu vạn (ý này cũng áp dụng tính quân rẻ mà không cần ấp dụng ý 1)
48 - Nếu chíu xa rút ruột quân nhà dưới đánh trong khi bài vẫn què thì đánh trả cửa bằng cây phù hợp nhất hoặc đì sau đó giữ cây chíu rút ruột thừa để dành có đì nhà dưới
49 - Cấm kỵ đánh những quân hàng cước sắc dễ dẫn tới họ ù có cước sắc (trừ khi bài mình đẹp hoặc có cước sắc to hơn những quân mình đánh)
50 - Nếu bài có hai lựa chọn ù bạch thủ lai tôm, lai lèo (tôm nảy, lèo nảy mà không có sẵn) với ù ba đầu ván xuông hoặc cước sắc khác cũng có thể quét ba đầu ù nhanh (phù hợp ý 38) vì có dụ cầm thất vạn mặc dù có cả tam sách tam vạn chốc vào được rộng không lên được thất văn thì vẫn là suông
51 - Cách kiểm tra bài họ ù thì những quân đầu tiên mình kiểm tra là những quân họ hạ xuống ăn sau đó mới kiểm đếm đủ chắn cạ vì đa số lỗi báo làng thường gặp nhất khi ù là treo tranh hoặc không hạ chíu
52 - Nhược điểm của ý 49 là để những quân đó rất khó ăn của nhà trên họ đánh nếu mở nọc hộ cũng sẽ cấu lại
53 - Nếu bài mình nhiều đỏ thì thế bài như ý số 7 cũng là đánh bạch định không được chủ quan (ý số 7 không phù hợp với thế bài này)
54 - Nếu nọc còn mỏng mà mình được chờ quân rẻ thì rất dễ ù (thế bài này rất dễ và thuận lợi và thành quả tạo ra từ việc áp dụng ý 22)
55 - Có thể đổi chờ nếu nọc mỏng mà quân vào đổi chờ lại là quân lẻ (vừa dễ ù lại tránh bị ù đè)
56 - Đánh nối phu nguy hiểm nhất là trong trường hợp họ đánh tẩy bạch định mà quân nối lại là quân họ ăn cửa dưới (vì nguyên nhân xem thêm ý 30)
57 - Ngược lại với ý 56, đánh nối phu không thể ăn được trong trường hợp họ ăn chắn đầu cánh nhưng trước đó họ đã ăn được một cạ khác nào đó (vì theo như logic từ ý 31 và nữa là nhiều chắn không ai ăn rút ruột đầu cánh)
58 - Bài đánh cửu văn hay bát văn mà vẫn ăn lại bát hay cửu hàng sách và vạn thì là bài thèm , lai tám đỏ
59 - Nếu thế bài nào mà đánh bát hay cửu thuộc hàng sách vạn sau đó vẫn ăn lại được bát hay cửu văn thì bài đó đánh lai bạch định
60 - Nếu bài đang 5 chắn bạch thủ lèo hoặc tôm sẵn có ví dụ như đã có cạ tam sách tam vạn và cầm thất văn và một 3 đầu thì nên chờ bạch thủ tôm sẵn (nếu không lẻ và phù hợp với ý 1 thì vào rộng sau, ngược với thế bài ý 50)
61 - Nếu nhà dưới có dấu hiệu đánh bạch định hay tám đỏ mà bài mình xấu, ít chắn hay què nhiều thì phải đánh đì, đánh ghìm bài thậm chí phá bài để tránh mất gà (thế bài này ngược với thế bài ý 37)
62 - Cẩn thận với những bài họ đánh cước sắc vì nếu đánh cước sắc là bài què ít có dụ đánh thất văn thì ít khi trên bài còn què hàng lục, ngũ, nhị, tứ; hay bát sách, cửu vạn là bạch định
63 - Không nên tẩy đỏ nếu nhà trên hay chéo cánh đã đánh tẩy bạch định vì bài này họ bạch định thì xác xuất phải có nhà lai 8 đỏ (tuân theo ý 2)
64 - Những lúc nọc còn mỏng hạn chế không đánh ra quân rẻ để tránh trường hợp nhà dưới chui vào bắt rẻ
65 - Nếu bài chờ lưỡng nước tức là chờ lèo hoặc tôm thì đánh chờ cước lèo to hơn, nhưng thế bài nếu giữ mảng lèo mà rơi vào ý 24 thì có thể bỏ lèo ôm tôm (để phù hợp với ý 22)
66 - Nếu bài lưỡng nước chờ lèo lai, tôm lai thì phải đánh chờ lèo sẵn hoặc tôm sẵn (ví dụ lèo lai là cầm bắt văn hay bát vạn phải lên bát sách mới có lèo, hàng tôm lai cũng áp dụng tương tự với tam hoặc thất)
67 - Trường hợp ăn đỉnh tròn bài mà thế bài không phù hợp ý 22 tức là không xé được quân rẻ thì xé đì cho chặt bài (để phù hợp ý 12)
68 - Câu phương ngôn chờ "bạch cao rộng hạ" có nghĩa là chờ rộng thì chờ hàng thấp, bạch thủ chờ hàng cao vì hàng cao thường rơi vào cước sắc như thất, bát, cửu nên tránh đánh
69 - Đánh theo bài nếu bài có chi chi không cần chủ động xén trước để phụ thuộc chờ chi mà phải đánh theo thế bài phù hợp với tất cả quân què và cước sắc trên bài
70 - Nếu bài nếu giữ chi thì bạch thủ ù chi lèo thì nên để chi vì giữ được mảng lèo tức là cước sắc đó gấp 3,5 lần ù suông thì đánh chủ động phụ thuộc chi (rơi vào thế bài này thì không đánh theo ý 69)
71 - Những bài lưỡng lự ăn chăn cuối cánh là ăn rút ruột, cho nên ăn hay không hạ dứt khoát cho kín bài tránh để làng phát hiện và phán đoán quân què
72 - Lưỡng lự ăn cạ cuối cánh là những bài rất ít chắn (bài này thường xấu và rất khó ù khi không còn một ba đầu nào khác, gần giống ý 4 nhưng khác quân đánh ra không phải là quân chạy đì)
73 - Nếu bài nhà dưới đã ăn được một hoặc nhiều hơn chắn cạ đỏ thì tuyệt đối không được bơm hàng bát, cửu, chi xuống rất dễ mất gà tám đỏ, để lại vừa ghìm được hoặc có thể được úp rọ đè
74 - Nếu bài què chi mà nhiều chắn trong khi nhà dưới họ có dấu hiệu tám đỏ thì có thể chủ động xén phù hợp để giữ chi chờ, vì chi là quân đã ăn là đỉnh mặt khác cũng là quân dính đến cước sắc như lèo, tám đỏ... (thế bài gần giống ý 73 nhưng nhiều chắn)
75 - Các câu phương ngôn trong đánh chắn như "đêm văn ngày vạn" tức là chờ bạch thủ thì ngày chờ vạn, đêm chờ văn tuy nhiên không có cơ sở vì chỉ là ngẫu nhiên có thể không phù hợp với logic ý 1, ý 12, ý 22, ý 23, ý 28... Cũng có nghĩa là trường hợp bỏ ba đầu thì đêm đánh văn, ngày đánh vạn (phương ngôn ngẫu nhiên không liên quan cách tính thế bài)
76 - Trường hợp bắt báo dễ gặp là xuyên cạ cuối cánh không ăn được nhà dưới ăn dẫn đến mất dấu vết tại cửa sau đó ăn một chắn và một cạ trong hàng đó (ví dụ cầm cạ tam văn sách lên tam vạn nhà dưới ăn và vòng sau ăn chắn tam văn hoặc sách và một cạ tam khác)
77 - Trường hợp duy nhất bắt được chắn ở nọc (ví dụ chéo cánh đánh ngũ văn nhà trên ăn cạ tức là không có ngũ văn, sau đó nhà dưới đì ngũ văn mà bài mình chỉ cầm ngũ sách hoặc vạn (vì vòng đầu ít khi họ đánh chíu thêm vào đó vòng đầu nhà dưới không nhất thiết nhiều chắn để xén đi đì chính số
78 - Bài đánh cả cạ xảy ra trong ba trường hợp: bài quá ít chắn, nhà dưới họ có đấu hiệu ù to. Ngoài ra, trường hợp tham bài đánh cạ giữ được cước 8 đỏ, đánh cạ bát hoặc cửu (tham khảo các ý để phán đoán bài đó rơi vào một trong ba trường hợp nào)
79 - Nếu đã đánh đến hai quân cước sắc như: tam sách, tam vạn, thất văn, cửu vạn, bát sách hay chi chi là bài đó dễ được chờ rồi (trừ một trường hợp là tẩy bạch định)
80 - Bài ăn đỉnh ba đầu tức là nhà dưới ăn được quân mà không thấy đì nhà dưới ở vòng trước vì đỉnh lơ thì họ đã đì vòng trước(ý này có liên quan đến việc tính quân trong nọc)
81 - Không áp dụng tính bài theo ý 80 nếu vòng trước họ đánh vẫn là quân đánh đì tức là bài sẵn quân đì
82 - Các câu phương ngôn trong đánh chắn như "bạch định đợi nhị, một tị là lên" hay câu "bạch định đợi ngũ, như lũ tràn về" đều là những câu ví có thể không phù hợp với nhiều thế bài và nhiều ý
83 - Phương ngôn trong đánh chắn "kén cá chọn canh" thế bài giống như ý 4, những bài này thường rất xấu và khó ù
84 - Trường hợp muốn đánh quân khó ăn trong khi không có quân đì thì đánh vào quân mà không thấy họ đánh đì nhà dưới (trường hợp này chỉ có thể ăn được theo thế bài ý 80)
85 - Trường hợp ăn đầu cánh đánh chi thì đa phần là ăn chạm chờ, xảy ra gần như tuyệt đối nếu bài nhà dưới họ đã ăn được chắn hay cạ đỏ nào đó vì ít khi không dám bốc qua cửa mà nối phu đỏ (vì nó trái với ý 88 đã thành phương ngôn)
86 - Bài chỉ ăn được rút ruột là các bài ăn những quân bình thường khi đã đánh những quân thuộc hàng cước sắc rồi (xem thêm ý 8, gần giống ý 17)
87 - Những thế bài què khó đánh như một mảng tôm, mảng lèo, quân chíu, quân ba đầu thì có thể đánh thứ tự theo phán đoán bài dưới từ nhiều ý trên hay theo bài mình, hoặc theo ý 19
88 - Câu phương ngôn trong đánh chắn như "tôn trọng cửa chì" tức là nếu chờ bốc qua cửa đã đổi chờ hay không tính sau (có thể không áp dụng ý này nếu thế bài trùng với ý 22)
89 - Tránh chờ trùng nhà trên dễ bị ù đè để né nhà trên bằng cách xem thêm ý 43 (cũng có thể không áp dụng ý này nếu thế bài giống ý 25)
90 - Câu phương ngôn trong đánh chắn "5 chắn què 3 cháy nhà cũng mở" có nghĩa là bốc chạm chờ, thế bài này ăn rút ruột đầu cánh hóa vòng vo mất một vòng (trừ trường hợp vào thế bài ý 93)
91 - Cấu lại ăn lại hoặc cấm kỵ không đánh bát văn hay cửu văn nếu nhà dưới đang đánh bạch định tẩy đỏ (trừ trường hợp đã chờ rộng và không còn lựa chọn)
92 - Khi lên bài phải nhớ bài có chíu gì để chíu xa hay hạ chíu khi ăn tại cửa, trường hợp quên bỏ chíu có thể dẫn đến "sái bài" (xem ý 96)
93 - Trường hợp 5 chắn què 3 vẫn có thể ăn rút ruột đầu cánh là bài lai bạch định trong đó què lơ 2 quân đỏ (vì xác xuất chạm được 1 quân đen duy nhất là rất khó)
94 - Khi đánh phải ra lệ trước: ngoài ra lệ suông bao nhiêu? dịch bao nhiêu? còn ra lệ thêm về luật chơi và gà vì một số địa phương có luật chơi khá đặc biệt như ăn cạ đổi chờ, gà tôm lèo, chi dịch không vát, thập điều... (khi người chơi là người cửa hai hay nhiều địa phương)
95 - Những bài lai tám đỏ mà què tam sách, thất văn, tam vạn đánh đi có thể tạo cho nhà trên tâm lý không dám đánh hoặc buông đỏ cho mình (đánh quân phù hợp nhất để dễ dàng lai 8 đỏ, nhưng tam thất là hàng khó chạm nên cũng không nhất thiết phải áp dụng tuyệt đối ý này)
96 - Câu phương ngôn trong đánh chắn "sái bài" là câu nói quen thuộc của người chơi tức là đánh hỏng, đánh lỗi một bài dẫn đến kết quả không như mong muốn và một kế tiếp sau ván bài đấy là một dây không ù
97 - Nếu nhà trên đang tẩy đỏ mà bài mình kar năng không bao giờ được 8 thì có thể đánh lạc hướng đánh tam hay thất để nhà trên lầm tưởng thèm đỏ mà phải thận trọng hơn trong việc đánh quân đỏ tiếp (ngược với ý 95)
98 - Những bài kín mà làng khó tính thuộc về: chờ luôn cây ù lên sớm, bạch định thiên nhiên (không có quân đỏ nào), 8 đỏ sẵn (đôi khi 8 đỏ sẵn vẫn có thể bị làng phát hiện nếu có một hay nhiều hơn nhà tẩy bạch định hoặc ít đỏ)
99 - Bài nào đó khi ăn úp một quân sau đó nhấc lên hạ quân khác là chắn xuống ăn là ăn gài (hay ăn cài cắm) cho nên khi hạ ăn phải nhìn kỹ để hạ một lần dứt khoát tránh để lộ vì câu phương ngôn "nhất cao, nhì kín" (nó cũng liên quan đến việc tính bài)
100 - Phán đoán bài làng chờ chưa hay chờ quân gì bằng cách kết hợp các ý 4, ý 8, ý 16, ý 27, ý 43 và tổng hợp nhiều ý khác
101 - Nếu bài vẫn què trong khi bài làng đã chờ thì nên đánh những quân mà làng đã chờ đi vì lên chạm chờ thì họ ù
102 - Trường hợp tương tự ý 101 nếu là quân nhạy cảm với cước sắc to của nhà dưới, hoặc không áp dụng đối với nhà dưới chờ giữ lại được chờ để đề thì không đánh đi (thế bài này không áp dụng ý 101)
103 - Trường hợp chi chi ở cửa chéo cánh mà nhà trên đánh hoặc mở nọc sau đó nhà trên mình ăn được mà mình lại cầm chi chi thì trường hợp này nếu chi ở nọc thì nếu được chờ thì mình ù, còn nhà dưới cầm thì mình ghìm om được nhà dưới
104 - Không áp dụng ý 103 trong những trường hợp chi chi ở cửa khác hay vị trí khác hay người đánh khác
105 - Những bài xé cạ hay chắn đổi chờ là những bài nhiều chắn hoặc thế bài giống ý 27 nhưng lại đánh ra quân cùng hàng với một quân nào đó ra đã mặt ở cả 2 cửa trên dưới (vì theo logic thì bài nhiều chắn què lơ thì họ đã ăn rồi).
Bí ngũ[sửa]
Bí tam[sửa]
Xem thêm[sửa]
Tham khảo[sửa]
This article "Chắn" is from Wikipedia. The list of its authors can be seen in its historical and/or the page Edithistory:Chắn. Articles copied from Draft Namespace on Wikipedia could be seen on the Draft Namespace of Wikipedia and not main one.
This page exists already on Wikipedia. |